Cựu sinh viên Khoa Đóng tàu được vinh danh tại giải thưởng danh giá Mỹ

https://vnexpress.net/co-giao-viet-duoc-vinh-danh-tai-giai-thuong-danh-gia-my-4354608.html?fbclid=IwAR0mlf0AxFo3CcUYbgnhGA9CEnJicgRimaSrnPp1Hm0oQ3ya0Ta5AVpEKNk

Từng được hỏi "Con gái học kỹ thuật làm gì?" khi chọn ngành Thiết kế tàu thủy - Khoa Đóng tàu, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, chị Ngọc Hà chứng minh bằng loạt học bổng, giải thưởng danh giá trong 13 năm.

Sau một ngày bận rộn, đến gần khuya, chị Trần Bảo Ngọc Hà, 30 tuổi, quê Hải Phòng, mới tranh thủ ngồi vào bàn làm việc để lên ý tưởng cho bài thuyết trình. Ngày 25/9 tới, chị sẽ có 5-10 phút phát biểu trong lễ trao giải Zonta International Amelia Earhart Fellowship 2021, được tổ chức tại New Zealand.

Đây là giải thưởng của Mỹ dành cho 30 phụ nữ xuất sắc trên thế giới trong lĩnh vực cơ khí hàng không mỗi năm, nhằm tôn vinh đóng góp của nữ giới trong những công việc vốn không phải thế mạnh. Ngọc Hà là người Việt Nam thứ hai, cũng là nghiên cứu sinh thứ hai tại Đại học Auckland, New Zealand, giành giải thưởng này trong hơn 80 năm qua.

Chị Hà lớn lên tại thành phố Cảng, nhiều thành viên trong gia đình chị gắn liền với những con tàu và vận tải biển. Sau khi tốt nghiệp lớp 12 Hóa trường THPT chuyên Trần Phú, giành giải nhì quốc gia môn Hóa giải trên máy tính, chị đỗ vào Đại học Hàng hải Việt Nam với điểm thủ khoa của khoa và á khoa của trường. Thời điểm đó, Ngọc Hà cảm thấy tự tin với loạt thành tích học tập nên ứng tuyển học bổng chính phủ dành cho thủ khoa và những học sinh giành giải quốc gia. "Thực lòng mà nói, lúc đó tôi đã nghĩ mình trúng tuyển", chị nhớ lại.

Thế nhưng Ngọc Hà bị từ chối. Vốn quen với những giải thưởng và đứng đầu trong nhiều cuộc thi, tin này như "sét đánh" với cô gái 18 tuổi. "Tôi chưa từng trải qua cú sốc nào lớn đến vậy. Lúc đó, tôi vô cùng hụt hẫng và đã khóc rất nhiều", chị Hà nhớ lại.

Chị Hà sau đó nhập học Đại học Hàng hải Việt Nam, chuyên ngành Thiết kế tàu thủy vì "tính cách mình khá thẳng thắn, lại có nền học các môn tự nhiên từ phổ thông nên sẽ hợp với các ngành kỹ thuật". Chưa kể, nếu lựa chọn Đại học Hàng hải Việt Nam, chị không cần trọ học xa nhà.

Suốt bốn năm, điểm số của Hà luôn cao nhất khoa. Chị tham gia Olympic cơ học toàn quốc môn Sức bền vật liệu, giành giải ba và nhì trong hai năm liên tiếp. Sau khi trở thành thủ khoa đầu ra, chị xin ở lại trường công tác. Thầy hiệu trưởng nhận hồ sơ, không quên dặn dò "điều kiện bắt buộc để giảng dạy lâu dài là học thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại nước ngoài". Từ đó, chị Hà đặt mục tiêu du học.

Sau hai năm giảng dạy đại học, tự tin với lượng kiến thức, IELTS 7.0, năm 2015 chị ứng tuyển ba học bổng của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ New Zealand và ADP của Nhật Bản. Cả ba đều chung một đích đến là Đại học Auckland, New Zealand, ngôi trường với chất lượng giảng dạy hàng đầu, thuộc top 100 đại học tốt nhất thế giới (theo QS) mà Ngọc Hà đã yêu thích từ lâu.

Sau khi qua vòng hồ sơ của học bổng Chính phủ New Zealand, chị được phỏng vấn tại Đại sứ quán và nhận được kết quả trúng tuyển sau đó ít ngày. Đến bây giờ khi đã giành hàng loạt học bổng và giải thưởng, chị Hà vẫn khẳng định học bổng thạc sĩ toàn phần tại ngành Kỹ thuật cơ khí, Đại học Auckland, là thành tựu đáng nhớ nhất, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc đời.

Những ngày đầu tại New Zealand, chị không hiểu được hết nội dung giáo viên giảng, phải ghi âm để tối về nghe lại. Cách học tại xứ sở Kiwi cũng mới mẻ với cô gái Việt Nam. Chẳng hạn, khi muốn chế tạo một mô hình tua-bin, chị Hà phải tự nghiên cứu lý thuyết, thiết kế, tạo ra các bản vẽ và mô hình 3D rồi thảo luận với giáo viên hướng dẫn và kỹ thuật viên.

Sau khi được duyệt, mô hình của chị sẽ được chế tạo nhưng để ra được sản phẩm chị phải tự tay lắp ráp mọi chi tiết, cả phần điện và cơ. Thầy cô và kỹ thuật viên chỉ đóng vai trò hỗ trợ. "Việc học và thực hành rất vất vả nhưng tôi học được cách chịu trách nhiệm với sản phẩm do mình tạo ra. Những ngày ở New Zealand đã giúp tôi tự lập và tự tin hơn rất nhiều", chị Hà bày tỏ.

Xác định theo nghiệp giảng dạy, nghiên cứu nên sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Auckland, chị tiếp tục giành học bổng tiến sĩ toàn phần tại ngôi trường này, theo đuổi đề tài nghiên cứu về hiệu suất làm việc của máy bay không người lái trong điều kiện thời tiết phức tạp.

Tháng 10 năm ngoái, chị nhận email của trường, giới thiệu về giải thưởng Zonta International Amelia Earhart Fellowship. Trong một tháng, chị phải hoàn thành bài luận, phác thảo đề tài đang theo đuổi cũng như mục tiêu phát triển chuyên sâu. Cái khó trong yêu cầu của Amelia Earhart Fellowship là bài luận chỉ giới hạn trong 500 chữ nhưng phải thể hiện rõ đề cương nghiên cứu, làm sao để người không có chuyên môn về hàng không vẫn hiểu được.

Đề tài của chị nghiên cứu trên mô hình máy bay không người lái do Bộ Quốc phòng New Zealand cung cấp, do đó nhiều dữ liệu được bảo mật. Quá trình công bố kết quả nghiên cứu cũng phải tuân thủ các thỏa thuận với Bộ Quốc phòng New Zealand.

Vượt qua hàng trăm ứng viên khác, đầu năm 2021, chị Hà trở thành một trong 30 phụ nữ xuất sắc được Amelia Earhart Fellowship vinh danh và trao giải thưởng 10.000 USD. Chị là người Việt Nam thứ hai giành giải thưởng này trong hơn 80 năm qua. Nếu tính ở New Zealand, đất nước này mới có ba người được vinh danh, trong đó có chị Hà và người gần nhất là từ năm 2016.

Tiến sĩ Priyanka Dhopade, kỹ sư hàng không vũ trụ, giảng viên Đại học Auckland, là cố vấn của chị Hà trong hành trình chinh phục giải thưởng Amelia Earhart Fellowship. Cô Priyanka đánh giá, giải thưởng của Ngọc Hà cho thấy sự công nhận tuyệt vời dành cho ngành nghiên cứu hàng không vũ trụ tại New Zealand, đặc biệt là tại Đại học Auckland với công sức của nhiều cá nhân. "Tôi hy vọng cơ hội này sẽ góp tiếng nói của chúng tôi, giải quyết những rào cản và mang tới một môi trường kỹ thuật toàn diện hơn", nữ tiến sĩ chia sẻ.

Khi bắt đầu tham gia Amelia Earhart Fellowship, chị Hà thành thực "không nghĩ quá nhiều". Khi được giải, Đại học Auckland công bố và gửi lời chúc mừng trên website, nhận được hàng trăm tin nhắn và email hỏi thăm, chị Hà cảm thấy nhẹ nhõm, hạnh phúc.

Vừa học tiến sĩ vừa làm mẹ, con đường này vốn đã khó khăn với chị. Mỗi lần thí nghiệm, chị phải tự lắp ráp mô hình, cài đặt các dụng cụ đo đạc với chi tiết có khi nặng hơn cả mình. Chỉ cần sơ sảy một chút, kết quả thí nghiệm có thể sai lệch, phải làm lại từ đầu. Ngày chị quyết định theo đuổi kỹ thuật, cơ khí, nhiều người cũng đặt câu hỏi "Con gái học làm gì?". Bền bỉ trong hơn 10 năm với hàng loạt thành tích, chị đã chứng minh được rằng phụ nữ cũng có thể làm tốt trong những lĩnh vực thường được coi là dành cho nam giới.

"Giải thưởng này giúp tôi có niềm tin và động lực để tiếp tục theo đuổi con đường đã đi. Không chỉ là tiền mặt, kỷ niệm chương, tôi hiểu rằng vẫn còn rất nhiều người phụ nữ đang cố gắng và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội ở những công việc không phải thế mạnh", chị nói.

Thời gian tới, chị sẽ hoàn thành phần còn lại trong nghiên cứu về máy bay không người lái và hy vọng xin được hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế để mở rộng đề tài. "Để thực hiện được mong muốn đóng góp những gì đã tích lũy, nghiên cứu cho giáo dục Việt Nam, tôi hiểu mình phải phát triển và học hỏi nhiều hơn nữa" chị Hà chia sẻ.

St. Vnexpress.net