Hội Thảo Khoa Học: Giải Pháp Và Ứng Dụng Công Nghệ Trong Thiết Kế Và Đóng Tàu Xanh Năm 2024

        Sáng ngày 30/8/2024, tại Hội trường Viện Thiết kế tàu quân sự (VTKTQS), Viện TKTQS cùng Khoa Đóng tàu/ Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp và ứng dụng công nghệ trong thiết kế và đóng tàu xanh” - một trong những nội dung thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác lần thứ 2 giữa 2 đơn vị với mục tiêu tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng trong hoạt động nghiên cứu khoa học phối hợp đào tạo nhân lực và hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế tàu. Hội thảo do đồng chí Đại tá, TS. Phạm Thành Trung - Phó Viện trưởng Viện TKTQS và PGS. TS. Trần Ngọc Tú - Phó trưởng khoa khoa Đóng tàu đồng chủ trì.

        Theo đồng chí Đại tá, TS. Phạm Thành Trung, còn rất nhiều thách thức đặt ra để ngành đóng tàu Việt Nam bắt kịp Xu hướng trở thành một ngành công nghiệp xanh, phát triển bền vững. Đó là lý do Hội thảo được tổ chức với chủ đề: "Giải pháp và ứng dụng công nghệ trong thiết kế và đóng tàu xanh". 

         Đến dự buổi Hội thảo có Đại biểu Bộ Tham mưu, Cục Quản lý công nghệ (Tổng cục CNQP); Viện Hàn lâm và KHCN Việt Nam, Vụ Khoa học và Công Nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KHCN); các Công ty tư vấn thiết kế; Nhà máy đóng tàu trực thuộc TCCNQP và QCHQ; Cơ quan đăng kiểm; Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện KTQS và các nhà trường, các bạn bè, đối tác của 2 đơn vị.

         Đơn vị tổ chức có Đại tá, TS. Phạm Quang Chiến - Viện trưởng; Đại tá Hồ Văn Châu – Chính trị viên cùng các chuyên gia, nhà khoa học của Viện TKTQS; PGS, TS. Trần Ngọc Tú – Phó trưởng khoa Khoa Đóng tàu/trường Đại học Hàng hải Việt Nam cùng cán bộ giáo viên, sinh viên trong khoa.

         Tại Hội thảo, đã nhận được 13 báo cáo khoa học. Trong đó có 08 báo cáo được trình bày trực tiếp tại Hội thảo.  Các báo cáo khoa học, với hàm lượng khoa học cao, đã trình bày, đề cập đến xu hướng, giải pháp và kết quả đạt được của ngành công nghiệp đóng tàu trong nước và thế giới trong thiết kế và đóng tàu XANH, thân thiện với môi trường như giảm phát thải cho động cơ Diesel tàu thuỷ, công nghệ pin mặt trời trong đóng tàu, giải pháp tăng hiệu suất chân vịt sử dụng ESD cũng như nghiên cứu về các thiết bị lặn không người lái, hầm trú ẩn cho tàu quân sự...  và nhận được rất nhiều sự quan tâm, các ý kiến trao đổi trực tiếp của các Đại biểu tham gia Hội thảo.

         Hy vọng rằng, trong thời gian tới, với những nghiên cứu, giải pháp đã nêu cùng sự quyết tâm của các đơn vị, ngành đóng tàu Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, phát huy được nhiều hơn các thế mạnh của mình và làm chủ một số công nghệ, giải pháp XANH trong thiết kế và đóng tàu góp phần thực hiện mục tiêu phát thải NET ZEZO, hay phát thải carbon ròng bằng 0 đến năm 2050 của Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26./.

(nguồn: Viện Thiết kế tàu quân sự)